Luật đất đai và luật nhà ở 906 Lượt xem

Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Cá nhân nước ngoài có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không?

Cá nhân nước ngoài là một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định pháp luật về nhà ở có sự điều chỉnh đặc biệt đối với đối tượng này. Cụ thể như sau:

1. Phạm vi và hình thức cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định pháp luật bao gồm:

  • Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;
  • Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam;

Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

  • Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định pháp luật;
  • Mua, thuê, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

2. Điều kiện cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Trường hợp cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định pháp luật.

Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này, cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam.

3. Quyền của chủ sở hữu nhà ở là cá nhân nước ngoài

Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có các quyền sau đây:

  • Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;
  • Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;
  • Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định pháp luật;
  • Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;
  • Sử dụng chung các công trình tiện ích công cộng trong khu nhà ở đó theo quy định pháp luật;
  • Bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định pháp luật;
  • Được bồi thường theo quy định của luật khi Nhà nước phá dỡ, trưng mua, trưng dụng nhà ở;
  • Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu hợp pháp của mình và các hành vi khác vi phạm pháp luật về nhà ở.

4. Các quy định khi cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư;

Trường hợp được tặng cho, được thừa kế nhà ở không phải là nhà ở thương mại hoặc nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì chỉ được hưởng giá trị của nhà đó;

Trường hợp cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở thì thời hạn sở hữu tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể dược gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có yêu cầu;

Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN,

Đối tác pháp lý tin cậy!

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

Hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Khách hàng

  Gọi 1900633725
Chat ZALO