Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư. Một trong những nội dung chính sách ưu đãi được các nhà đầu tư quan tâm đó là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư và hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư.
Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vấn đề này, Công ty Luật Thái An xin giới thiệu bài viết sau đây.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư, hình thức ưu đãi đầu tư:
- Luật Đầu tư năm 2014.
- Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư:
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:
- Các ngành nghề thuộc dự án ưu đãi đầu tư:
Bao gồm các hoạt động liên quan đến công nghệ cao, sản xuất vật liệu, năng lượng sạch, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nuôi trồng chế biến nông lâm thủy sản, thu gom chế tạo chất thải, các ngành nghề liên quan đến giáo dục, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, đầu tư kinh doanh cơ sở luyện tập thể dục, thể thao, chăm sóc người già, người khuyết tật, đầu tư kinh doanh cơ sở bảo vệ di sản văn hóa….
- Thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư:
Để được hưởng ưu đãi đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước phải đầu tư kinh doanh ngành nghề thuộc dự án ưu đãi đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành, địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
- Thực hiện các dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên.
- Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.
3. Hình thức ưu đãi đầu tư:
Khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư dự án kinh doanh thuộc ngành nghề và địa bàn hưởng chính sách ưu đãi đâu tư thì được hưởng các hình thức ưu đãi đầu tư sau:
- Áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư hoặc trong một thời hạn nhất định như áp dụng mức thuế suất 10% đối với các dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, khu kinh tế, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án thuộc lĩnh vực khu công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và áp dụng mức thuế suất 20% đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khă, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân.
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.
- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất: theo quy định tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhà đầu tư có thể được miễn tiền sử dụng đất hoặc thuê đất để thực hiện dự án đầu tư được hưởng ưu đãi hoặc được giảm 70% hoặc 50% % tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của Công ty Luật Thái An về vấn đề đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư và hình thức ưu đãi đầu tư. Nếu còn bất kì thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, xin liên hệ với tổng đài tư vấn để được tư vấn trực tiếp.
Bạn cũng có thể xem trang Tư vấn luật đầu tư và Hỏi đáp đầu tư để có thêm rất nhiều thông tin bổ ích.
CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy