Tâm điểm pháp luật 1440 Lượt xem

Đòi tiền nuôi người yêu ăn học và lễ vật đính hôn

Ra trường, cô gái đòi chia tay nên chàng trai đã khởi kiện đòi lại tiền lo cho vợ chưa cưới ăn học...

Như bao cặp trai gái khác, anh T. và chị H. (ngụ tỉnh Bình Dương) quen biết nhau rồi phát sinh tình cảm yêu thương. Tình yêu ngày càng mặn nồng, lại được gia đình hai bên ủng hộ, cả hai đã quyết định làm lễ đính hôn.
 
Đòi tiền, lễ vật đính hôn
 
Sau lễ đính hôn, phía chị H. đã đặt vấn đề với anh T. là “lo giùm phần vật chất” cho chị H. ăn học đại học tại TP.HCM, sau này chị tốt nghiệp ra trường thì sẽ tổ chức đám cưới. Anh T. kể, vì nghĩ chuyện lo cho vợ chưa cưới ăn học cũng là chuyện phải làm nên đã đồng ý. Do vậy, anh đã bỏ tiền mua máy tính, điện thoại di động cho chị H. và lo luôn chi phí một số khoản ăn học khác của chị H. sau này.

Thế rồi ngày qua ngày, hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn khiến cho quan hệ của họ bị sứt mẻ ít nhiều. Cuối cùng, chuyện không hay đã xảy ra, khi học xong, chị H. tuyên bố không còn tình cảm gì với anh T. nữa. Không lấy được vợ, buồn bực, giữa năm 2006, anh T. đã đến nhà chị H. đòi lại lễ vật cùng tiền lo cho chị ăn học. Chị H. cũng đồng ý trả lại cho anh T. các lễ vật đính hôn để chấm dứt quan hệ.

Chị H. cho biết đã trả lại cho anh T. một chiếc nhẫn cưới, một đôi bông tai, một sợi dây chuyền, một bộ vòng si-men (bảy chiếc), một điện thoại di động. Ngoài ra, chị cũng trả lại cho anh T. hai triệu đồng tiền mặt. Tuy nhiên, “trước áp lực của gia đình anh T.”, chị và mẹ chị “còn phải ký vào một bản tường trình do phía gia đình anh T. viết sẵn là đã nhận gần 34 triệu đồng lo ăn học của anh T. và sẽ thanh toán hết cho anh T. vào cuối năm 2006”.

Đã nhận là phải trả

Tới hẹn vẫn không thấy chị H. trả tiền nên anh T. đến đòi. Đòi mãi không được, anh gửi đơn nhờ TAND huyện Tân Uyên phân xử.

Trước tòa, chị H. nói đúng là lúc học đại học đã nhiều lần nhận tiền của anh T. nhưng không nhớ rõ bao nhiêu. Anh T. hoàn toàn tự nguyện đưa tiền cho chị, chị không ép buộc hay dọa dẫm, vòi vĩnh gì. Mặt khác, số tiền mà chị “bị ép ký” trong bản tường trình (gần 34 triệu đồng) là không đúng. Vì vậy, chị không đồng ý trả lại cho anh T. số tiền này.

Còn mẹ của chị H. bảo việc con bà có nhận tiền của anh T. hay không là chuyện riêng của đôi trẻ, bà hoàn toàn không hay biết gì. Riêng việc bà có ký tên vào bản tường trình là “do bị nhiều người bên gia đình anh T. đến uy hiếp”. Trước nay bà không nhận đồng nào từ anh T. nên không có trách nhiệm phải trả lại tiền.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Uyên nhận định yêu cầu khởi kiện của anh T. là có cơ sở. Cụ thể, anh T. nói đã đưa tiền cho chị H. để lo ăn học và chị H. cũng không chối rằng đã nhận tiền. Về số tiền thì anh T. trưng ra được bản tường trình giữa năm 2006 thể hiện chị H. và người mẹ thừa nhận, đồng ý trả lại cho anh 24 triệu đồng tiền học, gần tám triệu đồng tiền mua máy tính (tại phiên xử, hai bên thống nhất lại rằng tiền mua máy tính chỉ gần sáu triệu đồng).

Theo tòa, trong chuyện này các bên đã tự do cam kết, thỏa thuận, hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt, cưỡng ép, đe dọa bên nào. Thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên. Cuối cùng, tòa tuyên buộc mẹ con chị H. phải liên đới trả lại cho anh T. gần 30 triệu đồng.

Người mẹ vô can

Sau phiên xử, mẹ con chị H. lập tức kháng cáo, không chấp nhận việc trả lại tiền cho anh T. Riêng người mẹ còn cho rằng bà không nhận một đồng nào từ anh T. thì không thể buộc bà phải liên đới với con gái trả lại tiền.

Gần đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương nhận định việc anh T. khởi kiện yêu cầu mẹ con chị H. phải trả lại tiền (theo cam kết trong bản tường trình giữa năm 2006) là nhằm yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự chứ không phải là kiện đòi tài sản như cấp sơ thẩm xác định. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã đúng khi kết luận chị H. nhận của anh T. gần 30 triệu đồng. Phía chị H. nại rằng “do bị áp lực từ gia đình anh T. nên mới nhận khống số tiền trên trong bản tường trình giữa năm 2006” là không có cơ sở bởi không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh.

Riêng việc cấp sơ thẩm buộc mẹ của chị H. phải liên đới trả tiền, theo tòa phúc thẩm là không chính xác bởi trong suốt quá trình giải quyết án, người mẹ đều cho rằng mình không nhận tiền và anh T. cũng thừa nhận chỉ giao tiền cho chị H. Trong bản tường trình giữa năm 2006, dù có chữ ký của mẹ chị H. nhưng nội dung lại không thể hiện rằng bà phải có trách nhiệm thanh toán tiền.

Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của mẹ chị H., không buộc bà phải liên đới trả tiền mà trách nhiệm này chỉ do một mình chị H. đảm nhận.

Theo Pháp luật TP.HCM

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

Hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Khách hàng

  Gọi 1900633725
Chat ZALO