Kiến thức pháp luật 9735 Lượt xem

Các vấn đề pháp lý khi khởi nghiệp

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc đến “Khởi nghiệp – “Startup”. Cho đến nay ở nước ta chưa có văn bản quy định về Khởi Nghiệp. “Khởi Nghiệp - Startup” được hiểu là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Khởi nghiệp là vấn đề cực kỳ quan trọng. Để Khởi Nghiệp thành công, không chỉ cần ý tưởng kinh doanh, vốn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu... mà trước tiên cần phải quan tâm các vấn đề pháp lý.

cac-van-de-phap-ly-khi-khoi-nghiep

  1. Đăng kí kinh doanh

Ở nhiều quốc gia, khởi nghiệp không nhất thiết phải thành lập doanh nghiệp. Nhưng ở nước ta, muốn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thường phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Nếu không xác định được đúng mô hình kinh doanh phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, điều kiện kinh doanh, giấy phép hoặc các vấn đề thuế. Thế nên, trước khi khởi nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau:

Lựa chọn ngành nghề kinh doanh: hợp thời, hợp sức nhưng phải hợp pháp. Theo quy định của pháp luật, có tới 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 6 ngành nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh. Trước khi quyết định đầu tư kinh doanh một lĩnh vực gì đó, cần xem xét ngành nghề mình dự định kinh doanh có thuộc danh mục bị cấm đầu tư kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện hay không. Và chỉ khi đáp ứng đủ điều kiện thì mới được triển khai hoạt động kinh doanh.

Lựa chọn loại hình kinh doanh: Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp có ưu và khuyết khác nhau. Để lựa chọn một hình thức kinh doanh phù hợp cần căn cứ vào ngành nghề kinh doanh, vốn, nhân sự, việc phát triển kinh doanh...

Lựa chọn tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp gắn liền với việc phát triển thương hiệu. Không thể tùy ý đặt tên doanh nghiệp, mà phải tuân thủ các quy định pháp luật như: không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn trên toàn quốc, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên vi phạm đạo đức, truyền thống dân tộc..

  1. Vấn đề pháp lý nhân sự

Nhân có hòa thì doanh nghiệp mới tồn tại, phát triển. Quản lý nhân sự là vấn đề cốt lõi khi khởi nghiệp cần quan tâm:

Trước khi khởi nghiệp: Nếu Khởi nghiệp chưa hình thành pháp nhân thì thỏa thuận giữa các sáng lập viên cần đảm bảo tính hợp pháp và có tính ràng buộc nhau theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 do các bên tự thiết lập và tự chịu trách.

Sau khi khởi nghiệp:

+ Nội quy lao động: Pháp luật quy định doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động phải có Nội quy lao động và phải đăng ký Nội quy lao động tại cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh.

+ Tiền lương, thưởng: Người sử dụng lao động vi phạm quy định về tiền lương sẽ bị xử phạt hành chính, nên việc nắm rõ các quy định về trả lương là cần thiết như không được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng, trả lương sai thời hạn, các quy định về lương làm thêm giờ, làm ngày lễ tết...

+ Kỷ luật lao động: doanh nghiệp cần lưu ý đến các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trường hợp được sử dụng các hình thức đó và chú ý vấn đề sa thải lao động để tránh các trường hợp sa thải trái pháp luật lao động...

+ Cần tuân thủ các quy định của pháp luật đối với từng nhóm lao động cụ thể như lao động chưa thành niên, lao động nữ, lao động là người khuyết tật...

3. Nguồn vốn và phân chia lợi nhuận

- Pháp luật không yêu cầu vốn tối thiểu để đưa vào kinh doanh, trừ những ngành nghề kinh doanh cần có vốn pháp định. Để tránh trường hợp phải tăng hoặc giảm vốn điều lệ với thủ tục phức tạp, doanh nghiệp cần xác định nguồn vốn đưa vào kinh doanh phù hợp với năng lực nội tại và quy mô kinh doanh cũng như ngành nghề kinh doanh.

- Ngoài ra các doanh nghiệp trẻ cần lưu ý vấn đề góp vốn của công ty như: tài sản đưa vào góp vốn, các trường hợp cấm góp vốn, thời hạn góp vốn cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, cách xử lý khi thành viên không góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết...

- Phân chia lợi nhuận: Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải có Điều lệ công ty. Theo đó, Điều lệ công ty phải có nội dung cơ bản như nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh. Do đó ngay từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp cần thỏa thuận rõ nguyên tắc phân chia lợi nhuận để tránh tranh chấp. Trường hợp cách chia lợi nhuận không còn phù hợp thì cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ đúng quy định pháp luật...

  1. Sở hữu trí tuệ

Mỗi ý tưởng khởi nghiệp thường có tính sáng tạo, mới mẻ và liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bản quyền tác giả... Đây là tài sản vô hình, nhưng vô giá đối với mỗi doanh nghiệp.

Trong quá trình tư vấn pháp lý doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không quan tâm đầy đủ việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả cũng như đăng ký thương hiệu … dẫn đến khi tranh chấp thì không có căn cứ để giải quyết. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc đăng ký bảo hộ các tài sản đặc biệt này ngay từ khi bắt đầu Khởi nghiệp. Thậm chí trước khi đăng kí kinh doanh, các ý tưởng kinh doanh đã có thể đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

5. Các vấn đề pháp lý về thuế

Khi thành lập doanh nghiệp thì phải nộp thuế, phí theo quy định. Các loại thuế và mức đóng thuế sẽ phụ thuộc vào loại hình kinh doanh và những phát sinh thực tế trong doanh nghiệp.Theo quy định của pháp luật Việt Nam, một doanh nghiệp có thể phải chịu những loại thuế sau:

Thuế môn bài: là loại thuế doanh nghiệp đóng hằng năm, căn cứ tính thuế môn bài đối với doanh nghiệp là dựa vào số vốn Điều lệ mà doanh nghiệp đã đăng ký trên giấy phép đăng kí kinh doanh theo từng mức mà pháp luật quy định.

Thuế thu nhập doanh nghiệp: là loại thuế cơ bản, chủ yếu doanh nghiệp phải đóng, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tùy theo doanh thu của từng doanh nghiệp.

Thuế giá trị gia tăng: tùy vào phương pháp kê khai thuế và kỳ tính thuế mà mỗi doanh nghiệp có cách tính thuế GTGT khác nhau.

Thuế xuất nhập khẩu: thuế xuất nhập khẩu chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thực hiện việc xuất nhập khẩu, mức thuế suất sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thuế thu nhập cá nhân: các thành viên trong doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp có trách nghiệp kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên của mình.

Thuế tài nguyên: là loại thuế doanh nghiệp phải chịu cho hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trong lãnh thổ Việt Nam.

Thuế sử dụng đất: doanh nghiệp có tài sản là quyền sử dụng đất phải đóng thuế quyền sử dụng đất cho Nhà nước.

Thuế tiêu thụ đặc biệt: dành cho những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng như thuốc lá điếu, rượu bia, xăng...

Trên đây là những khái quát cơ bản về các vấn đề pháp lý khi khởi nghiệp, hi vọng những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp được các doanh nhân trẻ đang chuẩn bị khởi nghiệp hoặc giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh của mình thành, cũng như phát triển kinh doanh trong thời gian tới.

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

Hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Khách hàng

  Gọi 1900633725
Chat ZALO