Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi hình ảnh cá nhân bị xâm phạm?
Câu hỏi khách hàng: Mình nhờ Công ty tư vấn việc như sau: Có người lập trang facebook lấy hình ảnh của mình để giao dịch trao đổi mua bán số tiền lên đến 200 triệu đồng. Người lợi dụng hình ảnh uy tín của tôi để giao dịch không trả tiền dẫn đến tôi bị bốc phốt lên mạng xã hội và người ta thuê giang hồ săn lùng. Công ty luật có thể tư vấn hướng giải quyết cho tôi được không? Xin cảm ơn.
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Thái An. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015;
- Bộ luật Hình sự do Quốc hội ban hành ngày 27/11/2015;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điểu Bộ luật Hình sự sô 100/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 20/6/2017;
- Nghị định 174/2013/NĐ-CP ban hành ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Tư vấn khách hàng:
Quyền cá nhân đối với hình ảnh đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải có sự đồng ý của cá nhân đó và nếu sử dụng hình ảnh vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh. Các trường hợp sử dụng hình ảnh không càn có sự đồng ý của người có hình ảnh là:
- Sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, … mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Khi có hành vi xâm phạm đến hình ảnh của cá nhân thì luật pháp cho phép người có hình ảnh yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc chủ thể vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định pháp luật về xử phạm vi phạm hành chính, hành vi sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân của người khác có thể bị xử lý theo điểm e Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Cụ thể, người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Nếu hành vi sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân của người khác có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa và sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288, Bộ luật Hình sự). Phụ thuộc mức độ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm và các hình phạt bổ sung khác.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có khởi kiện hành chính hoặc khởi kiện hình sự đối với hành vi xâm phạm trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thái An giành cho bạn. Nếu còn điều gì thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp tới đường dây nóng 19006218. Xin chân thành cảm ơn.
CÔNG TY LUẬT THÁI AN,
Đối tác pháp lý tin cậy!