Kiến thức pháp luật 1608 Lượt xem

Điểm mới trong Bộ luật dân sự năm 2015

Điểm mới về thời hiệu khởi kiện việc yêu cầu chia di sản thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2015

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Điều 645 BLDS năm 2005 quy định:

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Trải qua 10 năm áp dụng quy định trên của pháp luật đã thể hiện khá nhiều điểm bất cập trong việc chia di sản thừa kế. Cụ thể là:

Thứ nhất, thời hạn 10 năm vẫn là thời gian tương đối ngắn để thực hiện quyền khởi kiện. Trên thực tế, người Việt Nam thường không chia di sản mà người thân để lại sau khi người thân mới mất do truyền thống cũng như tập quán của mình. Sau khi hết thời hạn 10 năm thì rất nhiều người dân vẫn tìm đến tòa án để giải quyết gây khó khăn cho Tòa án. Trong những trường hợp như vậy đa số các tòa án đều lựa chọn phương án giải quyết theo Nghị quyết 02 (hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình) ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định tại điểm 2.4 mục I như sau:

“2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.”

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

Theo đó, khi hết thời hiệu khởi kiện thừa kế mà các đồng thừa kế có yêu cầu nhờ tòa chia giúp khối di sản thì tòa vẫn thụ lý, giải quyết nếu các đồng thừa kế có văn bản cam kết di sản là tài sản chung chưa chia, không có tranh chấp về hàng thừa kế và nhờ tòa phân chia giúp. Tuy nhiên với những trường hợp một bên đương sự (thường là người quản lý, chiếm hữu di sản) không chịu thừa nhận đó là tài sản chung và không yêu cầu tòa án phân chia giúp thì về cơ bản là không thể tiến hành chia di sản thừa kế được.

Thứ hai, BLDS đưa ra quy định áp dụng thời hiệu 10 năm và khi hết thời hiệu 10 năm thì người thừa kế mất quyền khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, BLDS lại không đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho các di sản này. Do đó các di sản này không biết sẽ đi đâu và về đâu nếu không thuộc các trường hợp mà nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP đã nêu.

Bộ luật dân sự năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã quy định về thời hiệu thừa kế tại điều 623 như sau:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2015 đã tăng thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản đồng thời phân định rõ ràng mốc thời gian đối với di sản là bất động sản và di sản là động sản. Hơn thế nữa luật cũng đã quy định hướng giải quyết cho các di sản đã hết thời hiệu khởi kiện việc chia di sản. Quy định như vậy không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết một cách dứt điểm các tranh chấp về di sản thừa kế, mà còn tạo điều kiện để khai thác triệt để công dụng của tài sản. Hi vọng trong thực tiễn áp dụng tới đây sẽ thu được những kết quả khả quan.

Luật Thái An

Đối tác pháp lý tin cậy

 

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

Hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Khách hàng

  Gọi 1900633725
Chat ZALO